Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

10- NGHIÊN CỨU - ỨNG DỤNG

NGHIÊN CỨU - ỨNG DỤNG MỚI TRONG SẢN XUẤT CÂY ĂN TRÁI

Chúng tôi liên kết, đồng thời nhờ sự giúp đỡ tư vấn từ nhà khoa học đầu ngành, cơ quan nghiên cứu (Viện, Trường) để cung cấp cho khách hàng những thông tin mới nhất những kết quả nghiên cứu, ứng dụng trong sản xuất. 

Các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm này xuất phát từ thực tế sản xuất nảy sinh nhiều vấn đề mới gây ảnh hưởng đến vườn cây, gây thiệt hại cho bà con nông dân. Các giải pháp, nghiên cứu mới giúp nhà vườn có thêm thông tin để ứng phó kịp thời. 

Cây giống Thanh Duy xây dựng riêng ngân hàng thông tin khoa học về cây trồng phong phú, do giới hạn trang thông tin nên chúng tôi không thể cung cấp trên trang này đầy đủ. Quý bà con nông dân, khách hàng có thể liên hệ để được chúng tôi phục vụ. 




1. KHẮC PHỤC HIỆN TƯỢNG DỪA KHÔNG MANG TRÁI

Cây dừa dần khẳng định thế mạnh khi giá thị trường tăng cao, tuy nhiên, nhiều vườn dừa (dừa ta lấy dầu) có hiện tượng cây không mang trái (treo buồng) làm giảm năng suất và thất thu cho nông dân. TS. Trần Văn Hâu và ThS. Triệu Quốc Dương (ĐH Cần Thơ) đã thực hiện các nghiên cứu tìm nguyên nhân và cách khắc phục.

Hiện tượng dừa treo trái xuất hiện hầu hết các vườn dừa (90%) và hiện tượng này xuất hiện vào mùa mưa (từ tháng 7 – 9 âm lịch). Nguyên nhân gây ra hiện tượng dừa không mang trái bao gồm sâu bệnh gây hại hoa và trái, hiện tượng buồng hoa bị thui trước khi xuất hiện, số hoa cái/buồng ít, tỷ lệ đậu trái thấp, rụng trái non sinh lý. Trong đó nguyên nhân do rụng trái non sinh lý dẫn đến bị treo là 25%. Việc trồng xen trong vườn dừa có thể làm gia tăng năng suất dừa do hiệu quả đầu tư phân bón, chăm sóc cây trồng xen mà cây dừa “thừa hưởng”. Qua kết quả điều tra trên vườn dừa tại Bến Tre, nhóm tác giả cho biết, năng suất dừa thấp do tập quán canh tác của người dân là không tưới nước và ít bón phân làm cho cây bị thiếu dinh dưỡng dẫn đến hiện tượng mo thui hay rụng trái non. Ngoài ra do ảnh hưởng vùng đất với các chế độ tưới nước khác nhau và ảnh hưởng các mô hình trồng xen khác nhau. Tác giả cũng đã thử nghiệm phun acid boric ở nồng độ 10ppm ở thời điểm 20 ngày sau khi mo nở và 2,4D nồng độ 20ppm trong mùa nắng và 40ppm ở thời điểm một tháng sau khi mo nở để làm tăng khả năng đậu trái. Sự rụng trái non giai đoạn 2 tháng đầu rất quan trọng vì vậy áp dụng biện pháp tăng tỷ lệ đầu trái là cần thiết.

Tác giả khuyến cáo, để cải thiện năng suất, tăng hiệu quả kinh tế cho vườn dừa có thể áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp, bao gồm: bón phân 3 lần/năm theo công thức 0,45kg N + 0,3kg P2O5 + 0,6kg K2O/cây/năm kết hợp với tưới nước trong mùa khô. Tăng sự đậu trái bằng cách phun acid boric nồng độ 10ppm ở thời điểm 20 ngày sau khi mo nở và hạn chế sự rụng trái non bằng cách phun 2,4D nồng độ 20ppm trong mùa nắng hoặc 40ppm trong mùa mưa ở thời điểm một tháng sau khi mo nở. Mô hình cach tác tổng hợp đã làm tăng số hoa cái/buồng, tỷ lệ đậu trái, số trái/cây và hiệu quả kinh tế tăng gấp 1,5 lần so với canh tác bình thường của nông dân.


2. NHÃN NHIỄM BỆNH CHỔI RỒNG, CÓ NÊN ĐỐN BỎ?
Trước thực trạng bệnh chổi rồng (còn gọi là đầu lân) hoành hành trên nhãn tiêu da bò, nhiều nông dân đốn bỏ trồng lại. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Hòa, phó viện trưởng Viên nghiên cứu cây ăn quả miền Nam khuyến cáo vùng nhãn tiêu da bò bị nhiễm chổi rồng nặng không nên đốn bỏ vì nhãn đã được trồng từ rất lâu, có thể áp dụng biện pháp ghép chuyển đổi giống nhãn xuồng cơm vàng trên gốc ghép nhãn tiêu da bò bị nhiễm bệnh.

Hiện bệnh chổi rồng nhiễm và gây hại nặng nhất trên giống nhãn tiêu da bò, kế đến là giống nhãn super, trong khi đó giống nhãn long ít nhiễm hơn, đặc biệt là giống nhãn xuồng cơm vàng chưa thấy nhiễm bệnh này. Ngoài ra, các giống khác như nhãn Ido hay Thạch kiệt đều nhiễm bệnh nhưng tỷ lệ nhiễm thấp hơn nhãn tiêu da bò. Để phòng trị tốt cần áp dụng một cách đồng loạt trên diện rộng, trong đó tập trung các biện pháp loại bỏ mầm bệnh (cắt bỏ cành nhiễm bệnh) và quản lý triệt để trung gian truyền bệnh là nhện lông nhung. TS. Hòa lưu ý cần áp dụng những giải pháp sau đây:

Trong giai đoạn dịch, cần tổ chức thành đội cắt tỉa cành và phun xịt thuốc. Có thể từng nhóm nông dân hợp tác với nhau cùng tỉa cành bệnh trên từng vườn theo kiểu cuốn chiếu và ngành nông nghiệp địa phương tổ chức thành các đội phun xịt thuốc trừ nhện một cách đồng loạt và triệt để, đúng qui trình (6 lần). Có thể xử lý ra hoa tùy theo sức khỏe của cây, không nhất thiết phải đợi đến cơi đọt thứ 2 hoặc thứ 3. Trên vườn nếu có nhãn trồng xen với chôm chôm, nên phun thuốc trừ nhện cả cho cây chôm chôm. Không nên nhân giống từ những cây bị nhiễm bệnh chổi rồng. Ở những vùng nhãn tiêu da bò bị nhiễm chổi rồng nặng có thể áp dụng biện pháp ghép chuyển đổi giống nhãn xuồng cơm vàng có chất lượng ngon trên gốc ghép nhãn tiêu da bò bị nhiễm bệnh.

Để tránh bùng phát dịch nên chú ý cắt bỏ toàn bộ các cành, lá, hoa bị nhiễm bệnh và đem đốt hoặc chất thành đống, phun thuốc trừ nhện và trùm lại bằng nylon để tránh nhện phát tán. Sau thu hoạch trái tiến hành cắt tỉa và dọn vệ sinh cho vườn cây giúp tán cây thông thoáng, giảm khả năng cư trú và gây hại của nhện (cắt cành sâu khoảng 40-50cm), sau khi cắt phải phun thuốc trừ nhện lên tán lá ngay. Tránh để cành lá, trái tiếp xúc với mặt đất tạo điều kiện cho nhện di chuyển lên cây. Không nên để cây ký chủ phụ như cây bồ ngót, cây bóng nẻ trên vườn. Nên bón phân cân đối để xử lý cho cây đọt non, ra hoa đồng loạt, nhanh, đọt to, khỏe để dễ quản lý nhện và hạn chế bệnh. Việc tỉa chồi bệnh nên tiếp tục thực hiện nếu một số chồi mới vẫn còn xuất hiện bệnh. Có thể áp dụng biện pháp phun nước áp lực lớn trong mùa nắng để cuốn trôi nhện, đồng thời tạo ẩm độ cao làm trứng nhện không nở được.

Sau khi cắt tỉa phải phun thuốc trừ nhện và thuốc gốc đồng ngay lên tán lá giúp loại bỏ nhện còn sót lại trên lá già và sát trùng vết thương do cắt tỉa. Khi cây mới vừa nhú đọt non, ra hoa phải tiến hành phun xịt ngay bằng loại thuốc trừ nhện và nên thay đổi gốc thuốc và định kỳ phun thuốc trừ nhện (tùy theo thời gian cách ly của từng loại thuốc) cho đến khi lá vừa chuyển từ lá lụa có màu đồng sang màu xanh thì có thể ngưng thuốc. Các thuốc có thể áp dụng luân phiên các loại thuốc đã được Bộ NN&PTNT ban hành cho nhện lông nhung trên cây nhãn. Khi áp dụng thuốc nên hòa với dầu khoáng giúp thuốc lan tỏa tốt hơn và dẫn đến hiệu quả phòng trừ cao hơn, dầu khoáng cũng có tác dụng phòng trừ nhện rất tốt. Biện pháp này chỉ hữu hiệu khi phun thuốc tiếp xúc trên toàn tán cây, lá. Khi dịch bệnh đã được ổn định, có thể sử dụng nấm đối kháng Paecilomyces trong phòng trừ nhện lông nhung (Kết quả khảo sát ban đầu của Viện cho kết quả khá tốt), hay sử dụng thảo mộc trong phòng trừ nhện (dịch trích từ ớt xanh, gừng và hành).

Thủ tướng chính phủ đã có chỉ đạo về việc hỗ trợ phòng chống bệnh chổi rồng. Theo đó nhà nước sẽ hỗ trợ một lần cho người trồng nhãn tại các địa phương công bố dịch chổi rồng hại nhãn với mức 7 triệu đồng/ha đối với diện tích cây bị nhiễm bệnh thiệt hại trên 70%. Mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha đối với diện tích cây bị bệnh thiệt hại từ 30 – 70%.




3. LƯU Ý KHI TRỒNG SẦU RIÊNG VÙNG CAO
Đông Nam bộ và Tây Nguyên đang vào mùa trồng cây ăn trái, ngoài những loại cây như mít, măng cụt, xoài…thì sầu riêng được chọn trồng nhiều vì vùng đất này cho trái rất sai, ít bị sượng như miền Tây. Mặt khác, cây cho trái trễ vụ so với vùng ĐBSCL nên bán được giá cao, nông dân trúng mùa rất dễ làm giàu. Để trồng sầu riêng thuận lợi, tránh thiệt hại cho người dân, ThS. Mai Văn Trị, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ có những lưu ý như sau.

Cây sầu riêng sinh phát triển tốt ở nhiệt độ  24-30oC, ẩm độ 75-80%. Không nên trồng ở độ cao quá 800 m so với mực nước biển. Đất trồng thoát nước tốt, có tầng canh tác sâu (>1m), chứa nhiều hữu cơ. Tránh trồng trên đất trũng, ngập úng, đất quá nặng (sét nhiều) hay quá nhẹ (nhiều cát), đất nhiễm mặn (lượng muối tan phải nhỏ hơn 0,02%) hay phèn; độ pH thích hợp từ 5-6,5. Nguồn nước tưới sạch và chủ động. Đất trồng nên được chuẩn bị (cày ải, moi rễ, phơi đất …) 1 năm trước khi trồng. Đất có độ dốc nên bố trí hàng cây theo đường đồng mức. Giữa các hàng có mương cạn thoát nước và mương chính dẫn nước ra ngoài. Nếu vị trí trồng có nguy cơ bị nước tràn, nên làm đê bao kết hợp mương thoát nước. Quanh vườn nên có hàng cây chắn gió nếu ở khu vực thường xuyên có gió mạnh.

Có thể trồng xen ngắn hạn kết hợp che mát và sử dụng thân lá phủ đất như chuối. Trồng xen dài hạn có thể sử dụng cây măng cụt, bòn bon hay dâu.  Nên trồng vào đầu mùa mưa, nếu chủ động tưới có thể trồng thời điểm khác. Đào hố trồng 0,6 x 0,6 x 0,6 m; đất không tốt nên đào to hơn. Bón lót mỗi hố 10 -20 kg phân hữu cơ hoai; 0,4 – 0,8 kg phân NPK 16-16-8 hoặc 20-20-15. Phân bón trộn với đất mặt và cỏ, rơm rạ mục cho vào hố, lắp hố cao tạo thành mô trồng. Bón thêm vôi 1 – 2 kg/hố nếu đất hơi chua. Khoảng 2 tuần sau có thể trồng cây. Sau trồng, cần che mát cho cây con; khi cây hồi phục và ra lá non, tháo dần lưới che mát để cây làm quen với ánh nắng. Cắm 3 cọc quanh cây và buộc cố định cây với cọc. Tủ gốc cho cây con và tưới nước thường xuyên nếu trời không mưa. Nhổ cỏ và xới xáo nhẹ đất quanh tán khi đất bị đóng váng.
Tỉa cành tạo tán sao cho khi trưởng thành có hình kim tự tháp hay hình dù nhọn. Tỉa bớt các cành mọc dày trong tán và cành mọc thấp hơn 1 m. Sau thu hoạch, tỉa cành vượt, cành mọc dày, cành mọc đan chéo, cành nhiễm sâu bệnh kết hợp với tỉa quả còn sót trên cây. Khống chế chiều cao của cây ở mức 6 - 7 m. Vùng cao, tưới bồn thì tưới 2 lần/tuần, mỗi lần khoảng 150 - 300 lít/cây. Với hệ thống tưới phun dưới tán, nên tưới hàng ngày, mỗi tuần 200-300 lít/cây. Nên làm cỏ sạch dưới tán bằng biện pháp thủ công hay dùng thuốc trừ cỏ. Duy trì cỏ  quanh tán và khống chế bằng cách cắt cỏ 4-6 lần mỗi năm. Cây cỏ phủ đất có thể dùng lạc dại.

Ở giai đoạn cây chưa cho quả: Phân vô cơ có thể dùng NPK 16-16-8 hay 20-20-15 bón 0,5–1 kg/cây/năm ở năm thứ 1, chia làm nhiều lần bón. Những năm sau, mỗi năm tăng khoảng 1-1,5 kg/cây/năm cho đến khi cây chuyển sang giai đoạn cho quả. Phân gà hoai, mỗi cây bón 5–10 kg/năm ở năm 1, sau đó tăng thêm 5-10 kg/cây những năm sau cho đến giai đoạn cho quả. Giai đoạn cây cho quả: Phân gà hoai 30 - 60 kg/cây/năm; vôi 2-5 kg/cây/năm. Phân vô cơ chia làm 4 lần bón: Sau thu hoạch bón 2 - 4 kg/cây phân NPK 20-20-15 hoặc 16-16-8; Trước khi ra hoa bón  phân super lân 1 - 3 kg/cây; sunphat kali bón 0,5-1  kg/cây; Giai đoạn trái non bón Urea 1 - 2 kg/cây; sunphat kali bón 0,3 - 0,5 kg/cây; Trước thu hoạch 4-5 tuần bón sunphat kali 0,3 - 0,5 kg/cây. Phân hữu cơ và vôi nên bón sau thu hoạch. Phân vô cơ chia ra các lần bón. Khi bón, đào hố hoặc rãnh quanh rìa tán cây, cho phân vào và lấp đất lại. Tưới bổ sung nếu đất không đủ ẩm. Tỉa quả có thể thực hiện 2 lần khi đậu quả và khi quả cỡ quả cam. Loại bỏ quả méo mó, dị tật, nhiễm sâu bệnh. Tỉa bớt những quả mọc thành chùm.

Sâu hại quan trọng trên sầu riêng là rầy nhảy, sâu đục quả , bọ cánh cứng đục thân. Bệnh hại quan trọng trên sầu riêng là bệnh Phytophthora, bệnh cháy lá và bệnh nấm hồng. Bệnh Phytophthora gây hại trên rễ gây thối rễ, trên gốc, thân và cành gây thối vỏ chảy nhựa, ngoài ra còn gây hại trên lá và quả. Ngăn ngừa bằng cách không để vườn cây bị ngập nước và thoát nước thật tốt, tỉa cành tạo tán, vườn cây thông thoáng, ngăn ngừa nguồn bệnh xâm nhập vào. Hạn chế gây vết thương lên rễ, bón nhiều phân hữu cơ có bổ sung nấm đối kháng Trichoderma. Cạo sơ vết bệnh trên thân và bôi thuốc dung dịch thuốc Aliette 80WP hay Agri-fos 400 hay có thể phun thuốc lên tán. Tiêm thân với  dung dịch Argri-fos 400 cũng là một lựa chọn, thích hợp cho trường hợp thối gốc và rễ. Đối với bệnh cháy lá và nấm hồng, tiêu hũy bộ phận nhiễm; phun với dung dịch thuốc Validacin 5L hay Anvil 5SC.


4. ĐỐI PHÓ BỆNH THÁN THƯ GÂY HẠI VƯỜN XOÀI
Bệnh thán thư là bệnh gây hại quan trọng nhất trên xoài. Đối với xoài thương phẩm ở ĐBSCL, kết quả thử nghiệm cho thấy tất cả đều bị nhiễm bệnh này. Bệnh tấn công trên tất cả bộ phận gồm lá, hoa, cành, trái và ngay cả trái sau thu hoạch. Bệnh gây hại nghiêm trọng và gây thất thoát năng suất rất lớn. Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam khuyến cáo quy trình quản lý tổng hợp bệnh thán thư trên xoài giúp nông dân giảm thiệt hại.

Quản lý bệnh thán thư hiệu quả cần biện pháp quản lý tổng hợp từ canh tác, cơ học, sinh học, hóa học…Trong canh tác, liếp đất trồng đảm bảo hơn mực nước ở thời điểm cao nhất là 20cm, chống ngập, trồng cây chắn gió vùng chuyên canh có diện tích lớn. Trồng mật độ vừa phải (280 – 420 cây/ha). Bón phân cân đối và hợp lý tùy vùng đất và điều kiện sinh trưởng. Cần bón nhiều phân hữu cơ hoai mục, cung cấp vôi cho cây trước và sau mùa mưa. Bón phân hữu cơ và phân chuồng hoai mục là biện pháp căn bản nhất để cây xoài sinh trưởng bền vững, cung cấp nhiều vi lượng cho cây để bù đắp lại lượng thiếu do kích thích ra hoa trái vụ, tạo sự thông thoáng cho đất để vi sinh vật có lợi hoạt động tốt, giúp dễ quản lý sâu bệnh, tăng cường khả năng để kháng cho cây. Thiết kế hệ thống tưới quản lý tốt nguồn nước tránh mầm bệnh lây lan, tránh tưới phun lên tán cây khi trong vườn có nhiều mầm bệnh như thán thư.

Tỉa cành tạo tán đóng vai trò quan trọng giúp cây sinh trưởng tốt, giảm bệnh hại (cả khi cây nhỏ và có trái). Cắt bỏ những cành sâu bệnh, nhất là giai đoạn sau thu hoạch, khi có lá non bị nhiễm nhiều. Thu gom tất cả tàn dư khi cắt tỉa ra khỏi vườn. Nên bón nhiều phân hữu cơ, cung cấp nấm đối kháng Trichoderma vừa giúp phân hủy chất hữu cơ nhanh, vừa diệt mầm bệnh hiện diện trên xác bã thực vật có trên và trong đất. Sử dụng chất kích kháng có chứa Saliccylic acid phun trên trái vào thời điểm 20 – 25 ngày trước thu hoạch và tiến hành bao trái bằng bao trái. Trường hợp không bao trái thì nên phun chất kích kháng có chứa Saliccylic acid  vào thời điểm 20 và 10 ngày trước khi thu hoạch. Kết hợp biện pháp hoa học như phun thuốc trừ nấm gốc đồng sau khi cắt tỉa, nhất là cắt tỉa sau thu hoạch và các đợt lá non. Khi cây sắp ra hoa đến khi nở nên phun Propineb kết hợp với lượng thấp Difenoconazole hoặc Propiconazole, phun 2 – 3 lần. Có thể phun bổ sung thuốc gốc đồng sau mỗi đợt mưa gió lớn. Nên phun thuốc trừ sâu sinh học hoặc ít độc (Bassa, Karate, Spinosad, DC Tron Plus…) để trừ rầy bông xoài, nhện, bọ trĩ, sâu đục trái khi thấy chúng xuất hiện.

Quản lý theo giai đoạn trong năm: Sau khi thu hoạch trái tiến hành tỉa cắt cành, loại bỏ cành sâu bệnh, tổn thương đem tiêu hủy. Bón phân theo quy trình canh tác, chú ý cung cấp nhiều phân hữu cơ kết hợp cung cấp nấm đối kháng Trichoderma xung quanh gốc. Phun thuốc gốc đồng ngừa bệnh còn tồn lại. Giai đoạn cây ra chồi non, lá mới (ảnh hưởng lớn khả năng ra hoa, đậu trái về sau) là giai đoạn dễ mẫn cảm sâu bệnh, nhất là khi trùng với thời điểm mưa gió nhiều. Nên khi mỗi đợt lá non mới phải tiến hành phun luân phiên thuốc gốc đồng (Propineb, Propiconazole…). 

Khi cây ra hoa đến đậu trái, đây là giai đoạn quyết định năng suất, là giai đoạn mẫn cảm thán thư, bọ trĩ. Để bảo vệ hoa khỏi nhiễm bệnh, đậu trái nhiều cần chú ý phun thuốc (gốc đồng) khi cây vừa nhú mầm hoa (có trên 50% số cây nhú mầm hoa). Khi cây ra hoa rộ (trên 50% phát hoa đã nở) nên phun Propineb. Khi cây đã đậu trái (trên 50% chùm hoa có trái trứng cá) phun Propiconazole hoặc Difenoconazole, hoặc kết hợp Propineb và Propiconazole/Difenoconazole (1/2 liều trên bao bì). Giai đoạn sau khi đậu trái đến thu hoạch, là giai đoạn mẫn cảm với bệnh nên phun 1 – 2 lần, khi trái lớn thì phun thuốc trừ sâu đục trái (thuốc gốc Spinosad), nên phun thuốc hóa học hoặc chất kích kháng dẫn suất Saliccylic acid ở thời điểm 20 – 25 ngày trước khi thu hoạch và bao trái sau đó.


NHẬN BIẾT TRIỆU CHỨNG
Trên lá: Chủ yếu trên lá non, triệu chứng bắt đầu từ những đốm nhỏ như mũi kim có màu nâu sẩm đến đen, hình dạng không nhất định, vết bệnh liên kết lan rộng làm lá không phát triển, quăn queo, biến dạng. Trên lá giá bệnh kém phát triển, nhưng khi đã nhiễm ở giai đoạn non, vết bệnh chuyển sang xám và bị thủng ở giữa để lại đốm trống trên lá.
Trên cành non: Lúc đầu bệnh xuất hiện từng chấm nhỏ màu đen, sau phát triển bao quanh cành làm cành khô và lá rụng.
Trên hoa: Bệnh phát triển trên cả chùm hoa làm đen cả phát hoa hoặc từng phần làm hoa rụng, là nguyên nhân làm giảm số lượng trái trên cây, hư trái…
Trên trái: Sự phát hiện của bệnh trên trái từ lúc còn non đến thu hoạch, vết bệnh lúc đầu là những đốm nhỏ hình tròn màu nâu hoặc nâu đen sau lan ra, nhiều đốm kết hợp thành đốm lớn, lõm vào phần thịt trái, có thể lan ra quanh trái àm thịt trái chai sượng và thối.



5. CHÍCH THUỐC TRỊ BỆNH CHO CÂY BƯỞI DA XANH

Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) nghiên cứu thử nghiệm tiêm thuốc kháng sinh điều trị bệnh vàng lá Greening trên vườn bưởi da xanh bị nhiễm nặng. Kết quả bước đầu cho thấy cây vượt bệnh và đâm chồi, khả năng hồi phục cao. Đây là tìn vui cho bà con nông dân trồng đặc sản bưởi da xanh cũng như các loại cây có múi khác vì bệnh vàng lá gây thiệt hại rất lớn cho vườn cây.

Đây là phương pháp còn mới mẽ, chưa được ứng dụng phổ biến ở Việt Nam. Việc thử nghiệm được tiến hành trên vườn bưởi da xanh thương phẩm 5 năm tuổi bị nhiễm nặng bệnh vàng lá Greening. Thuốc tiêm thử nghiệm ở đây là hai loại kháng sinh, Tetracycline (Achromycin) của Đài Loan và Penicilline – G của Công ty Mekophar Việt Nam. Vườn bưởi da xanh nhiễm bệnh khá cao từ 73,33 – 96,67%. Các tác giả tiến hành 6 nghiệm thức khác nhau. Ở thời điểm 4 tháng sau khi tiêm, tỷ lệ chồi bệnh đều có khả năng phục hồi so với đối chứng. Tỷ lệ chồi phục hồi cao nhất là nghiệm thức 1, tỷ lệ chồi phục hồi đến 91,33% (Nghiệm thức 1 tiêm 2 lần Tetracycline (2 tuần) và thêm 1 lần Tetracycline, liều lượng 0,5 lít/lần tiêm, nồng độ sử dụng 1.000mg/lít). Kế đến là nghiệm thức 5, tỷ lệ chồi phục hồi 91% (Nghiệm thức 5 tiêm 3 lần Tetracycline (3 tuần), liều lượng 0,5 lít/lần tiêm, nồng độ 1.000mg/lít). Qua theo dõi 8 tháng sau khi tiêm, nghiệm thức 5 có tỷ lệ chồi phục hồi cao nhất. Ngoài ra, khi tiêm thuốc có sự kết hợp tiêm thuốc, cắt bỏ cảnh nhiễm bệnh càng sớm thì khả năng phục hồi cây càng sớm.

Kết quả giám định bệnh vàng lá bằng biện pháp PCR sau khi tiêm thuốc trên nghiệm thức 1 và 5 đều cho kết quả âm tính (không nhiễm bệnh). Kết quả phân tích dư lượng chất kháng sinh trên lá tại thời điểm 8 tháng sau khi tiêm đều không phát hiện dư lượng chất kháng sinh. Kết luận của các tác giả nghiên cứu cho rằng, tiêm đơn lẻ kháng sinh Tetracycline có khả năng giúp vườn bưởi da xanh phục hồi và quản lý bệnh vàng lá tốt hơn Penicillin. Tuy nhiên, khi kết hợp hai kháng sinh này tiêm vào cây cũng khá tốt. Việc điều trị bệnh vàng lá cho thấy tốt kết quả ban đầu và cần tiếp tục theo dõi. Được biết, các nghiên cứu trước đây của các nhà khoa học cho rằng Tetracycline có vai trò rất tốt trong việc khôi phục vườn cây có múi nhiễm bệnh vàng lá Greening thông qua phương pháp tiêm áp lực vào thân cây có múi.

Bênh vàng lá Greening hoành hành vườn cây có múi, bệnh gây hại mọi lứa tuổi cây làm giảm sản lượng và phẩm chất trái, vườn cây chết dần. Tuy nhiên, đến nay việc điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn, bệnh phát triển ngày càng tầm trọng. Trên thế giới, những nghiên cứu về sử dụng kháng sinh Tetracycline trong việc khôi phục vườn cây có múi nhiễm bệnh vàng lá có và mang lại hiệu quả nhất định trong quản lý bệnh gây thiệt hại hàng loạt vườn cây. Thái Lan và Malaysia đạt được một số thành công nhất định trong việc làm giảm thiệt hại do bệnh vàng lá thông qua kỹ thuật tiêm kháng sinh cho vườn cây nhiễm bệnh thay vì đốn bỏ.


6. VƯỜN CÂY ĂN TRÁI CHUẨN BỊ ĐỐI PHÓ LŨ NHƯ THẾ NÀO?
Mùa lũ ĐBSCL đang bắt đầu đổ về, cũng là lúc các vườn cây ăn trái gia cố bờ bao đối phó. Để tránh thiệt hại thấp nhất do lũ và mưa lớn gây ra, TS. Hồ Văn Chiến, giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam và TS. Dương Minh (ĐH Cần Thơ) khuyến cáo các giải pháp giúp nông dân bảo vệ vườn cây.

Phần lớn diện tích trồng cây ăn trái ở ĐBSCL đều có nguy cơ ngập do lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với mưa dầm, triều cường. Các vườn cây ăn trái bị ngập, bề mặt đất phủ một lớp phù sa vì vậy đất sẽ không còn đủ oxy cung cấp cho bộ rễ hô hấp (hay gọi là nghẹt rễ). Đồng thời rễ cây cũng bị ngộ độc CO2 và các acid hữu cơ nên rễ cây rất dễ bị các loại nấm bệnh tấn công gây hại cho cây trong và sau mùa lũ. Ngoài ra, hiện tượng nghẹt rễ cũng làm cho cây bị “stress”, tổng hợp Ethylene bên trong cây gây ngộ độc, làm cho lá cây có hiện tượng bị vàng nhanh và rụng.

Qua điều tra cho thấy mức độ chống chịu ngập của một số cây ăn trái vùng ĐBSCL rất khác biệt nhau, chia làm 3 nhóm. Nhóm cây dễ dàng chết khi bị ngập lũ (thường khả năng chịu ngập dưới 15 ngày) gồm các loại như đu đủ, mít, cóc, nhản, chôm chôm, cam quýt (nhất là quýt tiều), măng cụt, mãng cầu ta, sơ ri, sầu riêng…Nhóm cây chịu úng trung bình (chịu được ngập 15 – 30 ngày) là bưởi, chanh (chanh giấy chịu đựng khá hơn), chuối, ổi, me, vú sữa, dâu, khế…Thứ ba là nhóm cây chống chịu ngập úng khá (thường chịu đựng ở điều kiện ngập úng từ trên 30 – 60 ngày) như xoài, sapo, mãng cầu xiêm (tháp gốc bình bát), mận…Ngoài chủng loại giống, tuổi cây liên quan đến khả năng chống chịu, cây tơ chịu ngập kém hơn cây trưởng thành hay cây trồng lâu năm. Biện pháp canh tác cũng tác động lớn đến khả năng chống chịu ngập lũ của cây, đầu mùa lũ bón thừa phân đạm và lân cây sẽ dễ chết hơn.

Qua những khảo sát trên, Cục BVTV đề nghị một số biện pháp thực hiện trong và sau lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho vườn cây ăn trái do lũ xẩy ra. Giai đoạn trong lũ, nếu không bảo vệ được bờ bao, nước đã vào ngập vườn thì nên để nước chảy tự nhiên trên mặt liếp vườn cây. Nhờ dòng chảy thoáng sẽ cung cấp một phần nguồn oxy giúp rễ cây có điều kiện dễ dàng hô hấp hơn. Đề phòng sóng lớn hoặc nước chảy quá mạnh làm cây đổ ngã. Cần hạn chế tối đa sự đi lại trong vườn, khi thật cần thiết thì dùng xuồng nhỏ di chuyển. Nếu cây đâm tược non, hoa hay trái thì tỉa và hái bỏ. Nên xử lý lá bằng cách phun dung dịch Phosphat Kali (4/5) + Ure (1/5), nồng độ 1 – 1,5% hoặc phun hỗn hợp DAP (2/3) + Clorua Kali (1/3), nồng độ 1 – 2%, nên xử lý vào chiều mát, nếu pha thêm chất bám dính càng tốt nhằm tránh rửa trôi mưa. Phun 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 – 10 ngày đến khi cây ngưng ra đọt. Việc xử lý này nhằm mục đích làm cho lá mau già, cây chậm tăng trưởng và đi vào giai đoạn ngủ nghỉ, ít tiêu hao năng lượng vì rễ cây không đủ khả năng cung cấp dinh dưỡng. Giải pháp thứ 5 là phun dung dịch đường qua lá nhằm cung cấp thêm năng lượng cho cây hoặc hoạt chất có chứa Cytokynin như Agrispon, Sincisin…giúp ngăn cản quá trình tổng hợp Ethylene và sự Oxyt hóa diệp lục tố, giúp cây tăng cường khả năng chống chịu ngập úng.

Ở giai đoạn sau lũ, một trong những nguyên nhân làm cho vườn cây ăn trái chết hàng loạt sau lũ là do hiện tượng bề mặt đất bị kết váng của phù sa, rễ cây bị nghẹt thiếu sự hô hấp, rễ bị thối do nấm bệnh. Các biện pháp cần thực hiện đó là khai rãnh mặt liếp để hạ nhanh mực thủy cấp trong vườn, xới mặt đất bằng cào răng để phát sự kết váng giúp mặt đất thông thoáng. Sau đó dùng rơm hay cỏ khô để che phủ mặt đất, nên che xa gốc cây khoảng 20cm tránh nấm bệnh tấn công vào gốc cây. Bón phân DAP (2/3) + Clorua Kali (1/3) với liều lượng 0,2 – 1kg hỗn hợp/cây (tùy thuộc tuổi và loại cây), kết hợp phân chuồng (nếu có) nhằm kích thích cho vi sinh vật đất hoạt động tốt và rễ mới phát triển nhanh, cây được phục hồi, bón phân thực hiện cùng lúc với mặt đất. Thứ ba là phun xịt các loại phân qua lá có chứa NPK, Calcium và Silic, thuốc trị các loài bệnh gây hại ở vùng gốc và rễ (chọn loại thuốc phù hợp với loài nấm bệnh gây hại). 


8. CÁCH BẢO QUẢN TRÁI QUÝT TRÊN 7 TUẦN
Nhóm nghiên cứu Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hồ Thế Huy, Nguyễn Bảo Vệ (ĐH Cần Thơ) thực hiện nghiên cứu bảo quản trái quýt kéo dài trên 7 tuần mà trái vẫn còn tươi ngon, màu sắc đẹp gần như lúc mới thu hoạch.
Hiện trên thị trường chào bán nhiều vật liệu và chất bảo quản trái cây có nguồn gốc trong nước và nhập khẩu, kể cả hàng không rõ xuất xứ. Vì vậy để chọn vật liệu thích hợp, cách bảo quản đạt yêu cầu rất cần thiết, đặc biệt đảm bảo an toàn. Nhóm nghiên cứu đã chọn trái quýt đường vì có giá trị cao, thời vụ thu hoạch tập trung và dễ bị tổn thương sau thu hoạch, khả năng bảo quản kém ở điều kiện bình thường. Mục tiêu đề tài là tìm ra vật liệu bao trái sau thu hoạch thích hợp để duy trì chất lượng, kéo dài thời gian bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thấp. Các vật liệu được chọn để bao trái được gồm: túi nhựa PE (có đục lỗ nhỏ 1mm); túi nhựa PP không đục lỗ; màng đóng gói thực phẩm bằng nhựa PVC (có khả năng co giãn và ôm sát bề mặt vỏ trái); Chitosan dạng bột hòa tan trong acid acetic (ĐH Thủy sản Nha Trang cung cấp), chất bảo quản Citra Shine dang nước pha với nước cất tỷ lệ 1:1 của Italia.
Trái quýt đường sau khi thu về được rửa bằng nước sạch, sau đó nhúng trái vào dung dịch Chlorime nồng độ 0,04% trong 5 phút để xử lý nấm bệnh trên bề mặt vỏ trái. Tiếp theo, lần lược cho trái vào bảo quản bằng từng loại vật liệu khác nhau đã chuẩn bị như trên. Sau đó cùng cho vào bảo quản nhiệt độ 80C. Sau thời gian bảo quản 7 tuần, chỉ có quýt trong túi bao PP và PE còn giá trị thương phẩm tốt, túi bao PP vẫn giữ được màu sắc xanh, độ bóng vỏ trái khá tốt ở thời điểm tuần thứ 8, chứng tỏ vật liệu bao trái bằng PP tốt hơn các vật liệu khác. Nhờ xử lý trái trước khi bảo quản bằng Chlorime giúp hạn chế rất tốt nấm bệnh và rụng cuống trái trong thời gian bảo quản. Tỷ lệ hao hụt trọng lượng trái bằng nhựa PP, PE, PVC thấp hơn so với bao bằng màng mỏng Chitosan, Citra Shine. Riêng bao trái bằng PP và PE hạn chế tốt nhất mất trọng lượng trái.
Nhóm nghiên cứu kết luận, trái quýt đường sau khi thu hoạch, xử lý Chlorime, bao trái bằng bao nhựa PP có thể bảo quản trên 7 tuần trong điều kiện nhiệt độ 80C. Bệnh và rụng cuống không xảy ra, hao hụt trọng lượng thấp (0,66%). Hình dáng bên ngoài vẫn đẹp, vỏ trái bóng láng, màu sắc vỏ ít thay đổi so với lúc thu hoạch. Các chỉ tiêu về chất lượng như độ ngọt (Brix), acid tổng số, đường tổng số được duy trì ổn định. Hàm lượng Vitamin C trong trái vẫn duy trì cao.





------------------------------------------------------------------------------------------

TRẠI SẢN XUẤT - DV GIỐNG CÂY TRỒNG - HOA KIỂNG

THANH DUY
----------------------------------------------------------
(Vườn cây giống Ba Long, sản xuất cây giống từ năm 1990)
Giấy phép SXKD giống cây trồng Số 55C 8001954/KH-DT

- Địa chỉ trại giống: Ấp Tân Phú - X. Sơn Định - H. Chợ Lách - Bến Tre.

- VP GD tại TP.Hồ Chí Minh: 4/42 Quang Trung, Gò Vấp. 


Hãy điện thoại cho chúng tôi bất cứ lúc nào: 
0937.973. 888 -  0919.777. 300 





- Website: www.caygiongthanhduy.com 
 -  Email: caygiongthanhduy@gmail.com.
 - Facebook: Thanh Duy | Facebook (Cây giống Thanh Duy)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét